Trung tâm Karst và Di sản địa chất thực hiện đợt khảo sát đánh giá tổng quan hiện trạng Công viên địa chất Lạng Sơn

Nhiệm vụ: Tư vấn xây dựng Công viên địa chất Lạng Sơn

Công viên địa chất Lạng Sơn (tên tiếng Anh: Lang Son Geopark) có địa giới hành chính gồm 05 huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng và Hữu Lũng với tổng diện tích 3.845,8km2.

Hình 1. Vị trí và ranh giới dự kiến Công viên địa chất Lạng Sơn

Việc thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất tỉnh Lạng Sơn nhằm bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể của di sản địa chất và các loại hình di sản khác, góp phần phát triển bền vững kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh – quốc phòng của khu vực công viên địa chất nói riêng, Lạng Sơn và các tỉnh Đông Bắc Việt Nam nói chung. Tỉnh Lạng Sơn, với sự hỗ trợ của các Bộ, ngành trung ương sẽ xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc) công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Ngày 13/12/2021, UBND tỉnh Lạng Sơn đã  ban hành Quyết định số 2424/QĐ-UBND, thành lập Công viên địa chất Lạng Sơn, hiện UBND tỉnh Lạng Sơn và BQL CVĐC Lạng Sơn đang triển khai các hoạt động tư vấn, triển khai nghiên cứu khoa học để xây dựng hồ sơ CVĐC Lạng  Sơn trình UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu.

Trong thời gian từ ngày 9 ÷14 tháng 10 năm 2022, Trung tâm Karst và Di sản địa chất, chuyên gia mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO đã phối hợp cùng BQL Công lý Công viên địa chất Lạng Sơn thực hiện đợt khảo sát Phân tích, đánh giá hiện trạng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, đề xuất giải pháp xây dựng CVĐC Lạng Sơn.

Khu vực huyện Chi Lăng đã khảo sát một số điểm Nhà trưng bày Chiến thắng Chi Lăng, địa điểm dự kiến cho Trung tâm thông tin Công viên địa chất Lạng Sơn (xã Chi Lăng), thảo nguyên Khau Slao, Hang Gió (xã Mai Sao), Vườn Na Chi Lăng và đặc biệt đã tham dự một số hoạt động bên lề Chào mừng 595 năm Chiến thắng Chi Lăng.

Hình 2. Khảo sát vườn Na có diện tích 25ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP
Hình 3. Đoàn công tác đang tham quan và nghe giới thiệu về giá trị lịch sử của Ải Chi Lăng

Khu vực Huyện Bình Gia, Đoàn đã khảo sát các điểm Đền Bắc Lệ (xã Tân Thành), Đền Quan Giám Sát (xã Hòa Lạc), Đền Phú Vị (xã Hồ Sơn), địa điểm dự kiến cho Trung tâm thông tin Công viên địa chất Lạng Sơn (huyện Hữu Lũng);

Khảo sát Mỏ đá vôi Chằm Đèo Phiếu (xã Yên Vượng), Chùa Sơn Lộc và Cây di sản, điểm leo núi (xã Yên Thịnh), Rừng đặc dụng Hữu Liên, Hồ Nông Dùng, Khu Danh thắng Đồng Lâm và Làng du lịch cộng đồng xã Hữu Liên, thăm một số hộ gia đình làm bánh chưng đen và bánh bí đỏ, giò bầu (xã Hữu Liên);

Hình 4. Thảo nguyên Đồng Lâm, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng

Khu vực huyện Bắc Sơn khảo sát Đình Nông Lục, Hang Dơi (xã Vũ Lễ), Suối Mỏ Mắm, Hang Hú (xã Chiến Thắng); Bảo tàng Bắc Sơn và địa điểm dự kiến cho Trung tâm thông tin Công viên địa chất Lạng Sơn (xã Long Đống), Làng làm ngói âm dương, Làng Du lịch văn hoá cộng đồng Quỳnh Sơn, Rừng nghiến (xã Bắc Quỳnh),…

Hình 5. Hang Dơi, thôn Kha Hạ, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn – nơi các nhà khảo cổ đã tìm thấy di chỉ khảo cổ của nền Văn hóa Bắc Sơn
Hình 6. Đình Quỳnh Sơn, thôn Đon Riệc, xã Quỳnh Sơn nằm dưới tán cây đa cổ thụ hơn gần 250 tuổi

Khu vực huyện Bình Gia khảo sát Hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (xã Tân Văn), Hồ Phai Danh, Hang Kéo Lèng (Thị trấn Bình Gia); Thác nước Thang Sao (xã Quang Trung)….

 
Hình 7. Hang Thẩm Hai, thôn Còn Nưa, xã Tân Văn, huyện Bình Gia – nơi phát hiện các di chỉ khảo cổ có tuổi 47.000 năm
Hình 8. PGS.TS Trần Tân Văn đang trao đổi với ông Guy Martini về các giá trị khảo cổ học của hang Thẩm Hai
Hình 9. Hang Thẩm Khuyến – các nhà khảo cổ đã thu được nhiều hóa thạch quý, trong đó có răng của người vượn khổng lồ mang tính chất đặc nguyên thủy với niên đại cách đây 250 nghìn năm

Khu vực Huyện Văn Quan đã khảo sát Hang Nà Lả, Khu rừng trồng hồi, điểm dừng nghỉ trên đèo Lùng Pa, địa điểm dự kiến xây dựng Trung tâm thông tin Công viên địa chất Lạng Sơn (xã Điềm He), Hồ Bản Nầng và Cây sấu 1.000 năm (xã Tân Đoàn).

Hình 10. Hang Nà Lả- Nà Phia, xã Liên Hội, huyện Bình Gia
Hình 11. Ranh giới giữa đá vôi tuổi Permi (P3 dd) và trầm tích lục nguyên tuổi Trias (T1 ls) và hóa thạch Trùng thoi trong đá vôi tuổi Permi
Hình 12. Rừng hồi, thôn Bản Quần, xã Quang Trung, huyện Bình Gia

Khu vực huyện Lộc Bình đã làm việc và khảo sát mỏ than Na Dương. Than Na Dương có nguồn gốc hồ lục địa. Có tuổi địa chất Miocen thuộc kỷ Neogen cách ngày nay khoảng 23 triệu năm. Gồm có 9 vỉa than trong đó chỉ có vỉa than 4 và 9 có giá trị công nghiệp. Hiện đang được khai thác cung cấp nguồn nguyên liệu cho nhà máy nhiệt điện Na Dương, huyện Lộc Bình.

Cùng thành tạo với than còn gặp rất nhiều các hóa thạch động, thực vật được tìm thấy ở các vị trí khác nhau trong các vách, trụ của vỉa than. Hóa thạch thực vật gồm: thân cây, cành cây, lá cây,… Hóa thạch động vật gồm: trai, ốc, hến, rùa – baba, cá sấu,…

Hình 13. Mỏ than Na Dương, huyện Lộc Bình hiện đang khai thác than nâu cung cấp nguồn nguyên liệu cho nhà máy Na Dương
Hình 14. Khu vực mỏ đang khai thác lộ ra quần thể thân gỗ đã bị silic hóa
Hình 15. Nơi tập kết các thân gỗ hóa thạch của mỏ than Na Dương
Hình 16. “Dấu chân của các loài thú” còn được lưu giữ rõ nét trong lớp trầm tích của mỏ than Na Dương

 

Hình 17. Đoàn công tác làm việc và trao đổi với lãnh đạo Mỏ than Na Dương về phương thức “khai thác xanh” góp phần phát triển bền vững kinh tế xã hội vùng

Kết thúc thời gian khảo sát có thể đưa ra một số đánh giá sơ bộ sau:

Các giá trị văn hóa, khảo cổ, lịch sử, dân gian (có thể cả giá trị đa dạng sinh học), sản vật địa phương, ẩm thực truyền thống, cảnh quan… rất phong phú, đặc sắc, khác biệt, đa phần đã được nhận dạng, thống kê, phân loại, xếp hạng một cách bài bản, hệ thống. Một số di tích, truyền thống văn hóa đã và đang được bảo tồn, phục dựng tốt như hệ thống các nhà lưu niệm, bảo tàng, đài liệt sỹ… mặc dù vẫn còn một số ít các di tích khác lại chưa được như vậy. Đây là một yếu tố thuận lợi để tin tưởng thêm về sự thành công của dự án (nếu có). Các giá trị này cần được điều tra, sưu tầm bổ sung, hệ thống hóa, tập hợp lại trong một cơ sở dữ liệu dùng chung;

– Tiềm năng di sản địa chất (DSĐC) trong vùng CVĐC Lạng Sơn khá phong phú, đặc biệt là hệ thống các hang động rất nhiều và rất đồ sộ (cả về chiều dài, chiều rộng lẫn chiều cao, nhiều tầng lớp (có cả các hang khô, hóa thạch và các hang ướt, còn đang hoạt động; trong một hang có thể có nhiều tầng hang; thậm chí có thể còn có cả các hang ngầm; các hang phát triển chủ yếu theo chiều nằm ngang; hệ thống thạch nhũ trong hang phong phú, đa dạng, đẹp mắt, đa phần còn được bảo tồn tốt…). Hệ thống các trũng hoặc thung lũng giữa núi, đa phần chưa còn liên thông với nhau, còn phân cách nhau bởi các cụm đỉnh dạng chóp nón khá cân đối và các quèn, yên ngựa nối đỉnh (có thể tạo nên các hồ nước tự nhiên ở lưng chừng núi). Những đặc điểm này cho thấy địa hình, cảnh quan karst ở Khối đá vôi Bắc Sơn đang ở giai đoạn trưởng thành. Chỉ dọc theo một số đứt gãy lớn mới hình thành nên các tháp karst tách rời nhau trong khi các trũng/thung lũng giữa chúng liên thông với nhau tạo nên các cánh đồng karst khá rộng và kéo dài. Những đặc điểm này khá khác biệt so với các cảnh quan karst ở Cao Bằng (chủ yếu là các tháp karst tách rời nhau nổi cao trên các cánh đồng karst đã liên thông hết, đặc trưng cho cảnh quan karst trưởng thành và già, một số tháp chỉ còn là các chỏm sót, tàn dư), hoặc Đồng Văn (chủ yếu là karst dạng dãy, còn đang ở giai đoạn trẻ)…

– Sự có mặt của nhiều phân vị địa chất, trong đó nhiều phân vị lần đầu tiên được xác định ở tỉnh Lạng Sơn, cũng là một tiền đề để xác định nhiều kiểu loại DSĐC khác, thí dụ như các bất chỉnh hợp địa tầng, các ranh giới thời địa tầng (thí dụ P/T hoặc F/F)… Sự có mặt của các thành tạo phun trào núi lửa rhyolite cũng là một nét khác biệt thú vị so với Cao nguyên đá Đồng Vănhoặc Non Nước Cao Bằng, và rất có thể chúng là tiền đề để phát triển cây hồi – một sản vật địa phương nổi tiếng của khu vực này…;

– Một số giá trị DSĐC (thí dụ hang động, thác nước, sông suối) bước đầu đã được nhận dạng, phát hiện, khai thác, sử dụng mặc dù có thể còn chưa ý thức được đó là các DSĐC mà mới chỉ là các danh lam thắng cảnh. Cần triển khai công tác điều tra, nhận dạng, thống kê, phân loại, đánh giá, đề xuất xếp hạng các DSĐC một cách hệ thống, toàn diện (bao gồm cả các tri thức địa phương về chúng) để có một bức tranh tổng quan đầy đủ hơn về dạng tài nguyên mới này, để cùng các giá trị di sản hiện có và hiện đã biết khác, đưa vào bảo tồn, phát huy giá trị tổng thể trong khuôn khổ một CVĐC.

Người biên soạn: Đỗ Thị Yến Ngọc