Tập huấn kiến thức Tri thức địa phương về Di sản địa chất khu vực Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Cao nguyên Đá Đồng Văn

Trong thời gian từ ngày 17/10 đến 21/10/2020, tại Thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc và thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, Trung tâm Karst và Di sản Địa chất – Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang đã tổ chức lớp tập huấn với nội dung “Tri thức địa phương về Di sản địa chất khu vực Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Cao nguyên Đá Đồng Văn”. Lớp tập huấn là một trong các nhiệm vụ của đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu kiến thức bản địa về Di sản địa chất, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy du lịch ở một số công viên địa chất Việt Nam”, do Viện khoa học Địa chất và khoáng sản chủ trì, chủ nhiệm đề tài là Giám đốc trung tâm Karst và Di sản địa chất – ThS. Đỗ Thị Yến Ngọc.

Tham gia lớp tập huấn có hơn 70 học viên. Thành phần tham gia là các cán bộ công chức, viên chức trong đơn vị sự nghiệp Nhà nước có liên quan tới du lịch, hướng dẫn viên du lịch tại điểm trên địa bàn huyện Mèo Vạc và Đồng Văn, chủ cơ sở quản lý, nhân viên tại các cơ sở lưu trú và các học sinh, sinh viên trên địa bàn khu vực.

Ảnh 1. Lớp học tại thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc

Lớp tập huấn đã truyền tải khái niệm Tri thức địa phương về Di sản địa chất liên quan đến: Quá trình nhận thức, thích ứng với, và bảo vệ thế giới tự nhiên và việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên của cộng đồng địa phương.

Thế giới tự nhiên xung quanh người dân bản địa ở các CVĐC Việt Nam nói chung và CVĐC Toàn cầu CNĐ Đồng Văn nói riêng vẫn còn nhiều bí ẩn không thể lý giải, vượt khỏi sự hiểu biết của họ, khiến cho trong nhiều trường hợp họ buộc phải hình dung ra một đấng Thượng đế tối cao, một thế lực siêu nhiên nào đó dưới hình ảnh các vị thần, các vị tiên nữ, các ông khổng lồ, các con rồng…  Quá trình thích ứng và chinh phục thiên nhiên, nhiều lúc thành công nhưng cũng lắm khi thất bại, và tương ứng, cũng giống như trong xã hội của họ, người dân bản địa phân biệt các thế lực siêu nhiên đại diện cho cái “thiện” – đem lại hạnh phúc, ấm no, và các lực lượng đại diện cho cái “ác” – đem lại đói nghèo, khổ đau, đe dọa cuộc sống hàng ngày của họ.  Chưa bao giờ ngừng khát vọng sống, ngừng yêu lao động, người dân bản địa luôn khẳng định vai trò, chỗ đứng của mình trong thế giới này, qua đó từ đời này sang đời khác, từ thế hệ trước đến thế hệ sau, tạo dựng nên một thế giới quan độc đáo.

Ảnh 2. Lớp học tại Trung tâm giáo dục Thường xuyên, Thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn

Ảnh 3. Các học viên trình bày nhận thức và bảo vệ thế giới tự nhiên thông qua các lễ hội, tập quán của dân tộc mình.
Ảnh 4. Các học viên đang viết bài thu hoạch

Ảnh 5. Chụp ảnh lưu niệm với học viên tại lớp học Thị trấn Mèo Vạc

Tri thức địa phương về Di sản địa chất đã đem đến cho các học viên cách tiếp cận, nhìn nhận về khoa học địa chất, di sản địa chất dễ hiểu, gần gũi với đời sống và phong tục tập quán của từng dân tộc bản địa. Góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy tổng thể các giá trị di sản khu vực Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn.