CHUYÊN GIA UNESCO ĐƯA RA KHUYẾN NGHỊ VỚI CVĐC NON NƯỚC CAO BẰNG

Sau gần 4 ngày làm việc, Đoàn Chuyên gia cao cấp mạng lưới CVĐC toàn cầu Unesco đã đưa ra một số đánh giá về đợt tái thẩm định lần thứ nhất với CVĐC Non nước Cao Bằng. Tham dự buổi làm việc, về phía đoàn chuyên gia, có Ông Autur Sá – chủ tịch mạng lưới CVĐC toàn cầu Châu Âu – trưởng đoàn thẩm định cùng các cộng sự; đại diện Uỷ ban UNESCO Việt Nam; Trung tâm Karst và Di sản Địa chất – Viện khoa học Địa chất và Khoáng sản. Về phía tỉnh Cao Bằng có đồng chí Lê Hải Hoà, tỉnh uỷ viên, phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở VHTT&DL, Ban quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng.

Trong những ngày vừa qua, đoàn chuyên gia đã đi kiểm tra việc bảo tồn và phát huy giá trị tại các điểm di sản trong vùng CVĐC, hoạt động của các điểm đối tác và các mô hình hoạt động của CVĐC Non nước Cao Bằng. Mục tiêu của công tác thẩm định 4 năm 1 lần đối với các CVĐC nhằm giúp hệ thống mạng lưới CVĐC toàn cầu phát triển ngày một tốt hơn.

Qua chuyến khảo sát 3 tuyến du lịch của CVĐC Non nước Cao Bằng, chuyên gia UNESCO đánh giá, nhìn chung, CVĐC Non nước Cao Bằng đã làm tốt những tiêu chí của một CVĐC toàn cầu. Trong 4 năm qua, bên cạnh việc bảo tồn tốt các điểm di sản, Cao Bằng còn đưa ra nhiều mô hình, chương trình hoạt động hiệu quả giúp quảng bá, phát huy điểm di sản, nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương và khách du lịch khi đến Cao Bằng. Đặc biệt, các chuyên gia đánh giá cao mô hình hoạt động của “CLB Cùng em khám phá CVĐC” giúp học sinh nâng cao hiểu biết về CVĐC và có những hoạt động thiết thực. Bên cạnh đó, ông Autur Sá nhấn mạnh, Ban quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng là một trong những Ban quản lý có cơ cấu tổ chức tốt và hoạt động hiệu quả trên thế giới.

Bên cạnh đó, chuyên gia cao cấp mạng lưới CVĐC toàn cầu đã đưa ra một vài khuyến nghị cho CVĐC Non nước Cao Bằng như: tăng cường công tác truyền thông, thông tin về CVĐC đến người dân và du khách đặc biệt là các thông tin về đa dạng sinh học; lưu ý vấn đề bảo tồn ngôn ngữ dân tộc của cộng đồng thiểu số; nâng cao công tác quản lý điểm di sản, phối hợp với chính quyền địa phương và người dân thành lập các ban giám sát cộng đồng hoạt động tại các điểm di sản; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về vấn đề bảo vệ môi trường; mở các lớp tập huấn tiếng anh giao tiếp cơ bản cho các đối tác của mạng lưới CVĐC, tăng cường đào tạo các thuyết minh viên tại điểm, có khả năng sử dụng tiếng Anh chuyên ngành; tiếp tục thúc đẩy, hỗ trợ cho các hộ dân, công ty, đối tác… phát triển sản phẩm gắn logo CVĐC; quan tâm cải tạo, phục hồi, bảo tồn điểm di sản Biệt thự pháp cổ tại Nguyên Bình…

Sau khi nghe những khuyến nghị của chuyên gia UNESCO, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Hải Hoà cho biết tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp thu các ý kiến và sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai các phương án đề xuất sớm nhất.

Danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO sẽ được tái thẩm định sau mỗi 4 năm. Do đó, để giữ vững được danh hiệu cao quý này, đòi hỏi chính quyền các cấp, cộng đồng và doanh nghiệp địa phương cần đạt được sự đồng thuận trong việc thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển bền vững, xét trên góc độ bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, bảo đảm an sinh xã hội… đối với các hoạt động phát triển kinh tế.

Kết quả của đợt tái thẩm định CVĐC Non nước Cao Bằng sẽ được thông báo tại Hội nghị quốc tế mạng lưới CVĐC toàn cầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tại Thái Lan vào tháng 9/2023./.