Kết quả bước đầu của công tác điều tra khảo sát, nghiên cứu bổ sung, đánh giá, xếp hạng các giá trị di sản khu vực thành phố Cao Bằng thuộc dự án “Mở rộng Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng”

Kết quả bước đầu của công tác điều tra khảo sát, nghiên cứu bổ sung, đánh giá, xếp hạng các giá trị di sản khu vực thành phố Cao Bằng thuộc dự án “Mở rộng Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng”

Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng được thành lập theo Quyết định số 2498/QĐ-UBND ngày 22/12/2015 của UBND tỉnh Cao Bằng. Ngày 12/04/2018 kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 204 diễn ra tại Paris (Cộng hòa Pháp) đã chính thức công nhận Non Nước Cao Bằng là Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO. Đây là CVĐCTC thứ hai ở Việt Nam, sau CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, và là CVĐCTC thứ 8 của Đông Nam Á.

Từ sau khi được ghi nhận danh hiệu, CVĐCTC UNESCO Non Nước Cao Bằng đã có những bước chuyển mình mới trong công tác phát triển kinh tế – xã hội, cơ sở hạ tầng và đặc biệt là lĩnh vực du lịch phát triển bền vững – du lịch địa chất. Với 03 tuyến du lịch địa chất trải nghiệm được bắt đầu từ trung tâm thành phố đi qua các huyện phía Bắc, Phía Đông và phía Tây với 03 cái tên được các chuyên gia, cố vấn gọi theo ý nghĩa của từng con đường gắn với các giá trị địa chất hiện có như: Hành trình về nguồn cội, trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên, khám phá Pia oắc – vùng núi của những đổi thay đã kích thích sự tò mò và thu hút một số lượng lớn du khách tới tham quan, nghiên cứu.

Để đảm bảo quá trình quản lý, vận hành, bảo tồn và phát huy tổng thể các giá trị di sản ở CVĐCTC Non Nước Cao Bằng, Ban quan lý CVĐCTC đề xuất phối hợp với Đơn vị tư vấn – Trung tâm Karst và Di sản Địa chất – Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản thực hiện dự án “ Điều tra, khảo sát, nghiên cứu bổ sung, đánh giá, xếp hạng các giá trị di sản khu vực Thành phố Cao Bằng”. Mục tiêu của dự án nhằm điều tra, đánh giá giá trị di sản khu vực TP. Cao Bằng qua đó đề xuất mở rộng diện tích CVĐCTC Non Nước Cao Bằng về thành phố  Cao Bằng – nơi là đầu mối, trung tâm kinh tế của tỉnh, xây dựng tuyến du lịch thứ 4 từ Thành phố Cao Bằng đi Thạch An – Quảng Hòa.

Đã triển khai điều tra, nghiên cứu với 250 điểm khảo sát, sơ bộ xác định 80 điểm có giá trị (70 điểm DSĐC, 15 điểm DSVH…), góp phần khẳng định việc mở rộng diện tích CVĐC (<10% diện tích ban đầu) là có cơ sở khoa học.

Trên cơ sở kết quả điều tra, nghiên cứu Trung tâm Karst và Di sản Địa chất – Viện Khoa học Địa chất và Khoáng cùng ông Guy Martini, cố vấn cao cấp, Chủ tịch Hội đồng mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO và BQL CVĐC Non Nước Cao Bằng đã lựa chọn các điểm di sản địa chất, địa văn hóa nổi bật đề xuất xây dựng tuyến tham quan trải nghiệm thứ 4 – phía Nam của CVĐC Non Nước Cao Bằng. 15 điểm di sản được lựa chọn cho tuyến thứ 4 bao gồm đầy đủ các yếu tố đặc sắc về địa chất, địa mạo, văn hóa, đa dạng sinh học cùng những điểm dừng chân tìm hiểu về văn hóa làng nghề và sản vật địa phương hay trung tâm thông tin CVĐC tổng quan về toàn bộ CVĐCTC Non Nước Cao Bằng.

                 

Ảnh 1. Một số hình ảnh của đoàn khảo sát và các chuyên gia trong công tác thực địa

Điểm thú vị về đặc điểm địa chất, điểm lộ hóa thạch thân mềm trong trầm tích Neogen tại thành phố Cao Bằng. Tại vị trí vết lộ bắt gặp rất nhiều hóa thạch dạng trai, vẹm trong lớp sét than màu đen. Hóa thạch còn giữ được cấu tạo gờ, màu trắng, mềm, bở rời. Việc phát hiện hóa thạch thân mềm trong khu vực là một minh chứng rất rõ ràng về môi trường khu vực này cách ngày nay khoảng 20 – 2 triệu năm, nơi đây đã từng là hồ, đầm lầy lục địa, có khí hậu nóng ẩm. Basalt cầu gối dọc đứt gãy sâu Cao Bằng-Tiên Yên – di chỉ của hoạt động tách giãn vỏ đại dương tạo rift nội lục ít nhất khoảng chừng 260 đến 334 triệu năm trước cũng được phát hiện tại vị trí đèo Khau Khoang, huyện Thạch An với vị trí quan sát và điểm lộ có quy mô rộng lớn hơn với điểm đèo Mã Phục.

Ảnh 2. Một số hình ảnh minh họa hóa thạch thân mềm trong trầm tích neogen tại TP.Cao Bằng

                               

Ảnh 3,4. Basalt cầu gồi tại Xã Thái Cường, huyện Thạch An

Về văn hóa – lịch sử, không thể không kể tới Khu tưởng niệm chiến sĩ Hoàng Đình Giong – người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người con tiêu biểu của đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng, tọa lạc tại xóm Nà Toàn, phường Đề Thám, TP.Cao Bằng. Tới khu tưởng niệm, du khách được tìm hiểu về lịch sử hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Đình Giong, qua đó củng cổ niềm tin, niềm tự hào về Đảng, về quê hương

Ảnh 4. Khu tưởng niệm chiến sỹ Hoàng Đình Giong

Cụm di tích Báo Đông gắn với chiến dịch biên giới 1950 một điểm nhấn quan trọng về lịch sử dân tộc được lựa chọn trong tuyến du lịch thứ 4. Các điểm đến trong cụm tập trung chủ yếu trên địa bàn của thị trấn Đông Khê và xã Đức Long, huyện Thạch An. Đỉnh núi Báo Đông – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn để chỉ huy chiến dịch đã được bao phủ bởi thảm thực vật phong phú và đa dạng; xen lẫn là những dấu tích lịch sử của cuộc chiến năm xưa nằm trên cung đường trải nghiệm, khám phá của du khách như:  Khu thông tin liên lạc, khu hội họp bàn trận đánh, khu nghỉ ngơi..Đứng trên đỉnh núi Báo Đông là một vị trí ngắm cảnh tuyệt đẹp khi quan sát được toàn bộ cảnh quan vùng núi đá vôi bao quanh khu vực di tích.

Ảnh 5. Đoàn khảo sát trên đỉnh núi Báo Đông

Ảnh 6. Cảnh quan karst trưởng thành khi quan sát từ đỉnh núi Báo Đông

Ảnh 7. Thạch đen Thạch An

                              

Ảnh 8,9. Cảnh quan xóm Bó Tờ và đặc sản đường phên

                                   

Ảnh 10. Hợp tác xã Vân An – nông sản hữu cơ

Đặc sản truyền thống của vùng miền địa phương cũng được lồng ghép tạo các điểm dừng chân, khám phá của du khách trong tuyến trải nghiệm thứ 4 này. Các đặc sản có thể kể tới như đường phên tại xóm Bó Tờ, huyện Quảng Hòa, Hợp tác xã Vân An với các nông sản hữu cơ như chanh leo, bí đỏ, bí thơm…, Thạch đen Thạch An với nguồn nguyên liệu sẵn có được trồng trong chính người dân tạo bản sắc văn hóa vùng miền.

Toàn bộ kết quả của công tác khảo sát, điều tra thuộc dự án đã được chuyên gia và các nhà khoa học Trung tâm Karst và Di sản Địa chất báo cáo tại trụ sở UBND tỉnh Cao Bằng ngày 6/7/2020. Tham gia cuộc họp có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hải Hòa; đại diện lãnh đạo các sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường. Bên phía đoàn khảo sát có ông Guy Martini, cố vấn cao cấp, Chủ tịch Hội đồng mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Karst và Di sản Địa chất – Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản. Kết quả cuộc họp, bên phía UBND tỉnh Cao Bằng đánh giá cao kết quả của nhóm khảo sát đã đạt được, đồng thời kiến nghị xây dựng văn bản đề bảo tồn các điểm di sản được đề xuất có nguy cơ bị tổn hại một cách kịp thời.