Công viên Địa chất (CVĐC) – Một mô hình mới được xây dựng để bảo tồn, khai thác và sử dụng hợp lý, bền vững các giá trị DSĐC

Công viên Địa chất (CVĐC) – Một mô hình mới được xây dựng để bảo tồn, khai thác và sử dụng hợp lý, bền vững các giá trị Di sản địa chất (DSĐC). CVĐC hướng tới 3 mục tiêu cụ thể là:
  • Bảo tồn các DSĐC.
  • Góp phần quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò và giá trị của các khoa học Trái Đất, khuyến khích học tập và nghiên cứu địa chất và giáo dục lòng yêu thiên nhiên và trách nhiệm công dân trong việc bảo vệ và khai thác bền vững các DSĐC, góp phần vào chiến lược nâng cao dân trí, phát triển kinh tế và văn hóa của địa phương và đất nước.
  • Thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế bền vững, hài hòa với bảo tồn như tham quan, du lịch (du lịch sinh thái, du lịch địa chất) và các hoạt động kinh tế phụ trợ khác, tạo nguồn thu nhập bổ sung cho cộng đồng địa phương.

Trong thời gian từ 8/2018 – 7/2019, Trung tâm Karst và Di sản địa chất, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đăk Nông, Ban quản lý CVĐC Đăk Nông điều tra, khảo sát, nghiên cứu và xây dựng hồ sơ CVĐC Đăk Nông trình UNESCO công nhận CVĐC Đăk Nông là CVĐC Toàn cầu.

Một số quyết định thành lập CVĐC Đăk Nông

  • Quyết định 1299/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của UBND tỉnh Đăk Nông về việc thành lập CVĐC Núi lửa Krông Nô tỉnh Đak Nông;
  • Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 17/11/2017 của Tỉnh ủy Đăk Nông về việc xây dựng CVĐC Krông Nô trở thành CVĐC Toàn cầu;
  • Quyết định số 1646/QĐ-UBND về việc thay đổi tên gọi “CVĐC núi lửa Krông Nô-Đắk Nông” thành “CVĐC Đắk Nông”.
  • Bộ Ngoại giao cho biết, ngày 7/7, tại Trụ sở UNESCO ở Paris, Ủy ban Chương trình và Quan hệ quốc tế của Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 209, đã thông qua Quyết định của Hội đồng Công viên Địa chất Toàn cầu công nhận Công viên Địa chất Đắk Nông của Việt Nam là Công viên Địa chất Toàn cầu.

CVĐC Đăk Nông gồm các huyện: Cư Jut, Đăk Mil, Đăk Song, Đăk Glong, Krông Nô và thị xã Gia Nghĩa (nay là thành phố Gia Nghĩa) với diện tích khoảng 4700km2.

CVĐC Đăk Nông, tỉnh Đăk Nông – miền đất của những âm điệu.

“Đăk” theo tiếng của người dân tộc M’Nông – một tộc người bản địa lớn nhất và lâu đời nhất trên vùng đất này – vừa có nghĩa là “nguồn nước” lại vừa có nghĩa là “nguồn sống”. “Đăk Nông” nghĩa là vùng đất sinh sống của người M’Nông, với hàng trăm địa danh ở khu vực này bắt đầu bằng tiếp đầu ngữ “Đăk”.

Với hơn một nửa diện tích là đá núi lửa bazan, CVĐC Đăk Nông từ lâu đã nổi tiếng là một vùng đất đỏ trù phú với hệ sinh thái rừng nhiệt đới cùng hàng chục loài cây công nghiệp, cây ăn quả chất lượng cao, sản lượng xuất khẩu hàng đầu thế giới, với khoáng sản bauxite chiếm tới 62% trữ lượng của Việt Nam và 20% của toàn thế giới. Từ năm 2007, khu vực này còn được biết đến thêm bởi những phát hiện về hệ thống hang động núi lửa phong phú, đa dạng nhất khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là những phát hiện gần đây (2017-2018) về các di chỉ của người tiền sử đã từng sinh sống trong các hang động này từ hàng chục nghìn năm trước.

CVĐC Đăk Nông cũng không kém phần nổi tiếng bởi những bản sắc văn hóa dân tộc đậm đà. Khởi đầu là nơi sinh sống chủ yếu của ba dân tộc bản địa M’Nông, Mạ và Ê Đê, từ cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước nơi đây đã đón nhận thêm hàng trăm nghìn người từ các địa phương khác của cả nước, để trở thành quê hương mới của hơn 40 (trong tổng số 54) dân tộc Việt Nam. Cùng với các tỉnh khác của Tây Nguyên, Đăk Nông đã được công nhận là một phần của “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” – Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại – của UNESCO từ năm 2005.

Đặc biệt, Đăk Nông còn được biết đến sớm hơn, từ cuối thập kỷ 40 của thế kỷ trước, bởi những phát hiện đầu tiên ở Việt Nam cũng như trên thế giới về cồng đá (Goong lú), được người tiền sử chế tác từ đá núi lửa bazan và sử dụng từ khoảng 3.000 năm trước, qua đó trở thành một trong những loại nhạc cụ cổ xưa nhất của nhân loại.

Kết quả điều tra, nghiên cứu của Trung tâm Karst và Di sản địa hất, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã xác định  được 180 điểm biểu hiện DSĐC, trong đó có hơn 50 điểm di sản có giá trị nổi bật đánh giá cấp quốc gia. Với những giá trị DSĐC kể trên cùng một số giá trị di sản văn hóa và đa dạng sinh học khác, CVĐC Đăk Nông đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của một CVĐC quốc gia/Toàn cầu.

Với một CVĐC trong đó đa dạng về các thành tạo địa chất và địa hình nên khá đa dạng giá trị DSĐC các kiểu loại khác, như di sản đá, cổ sinh-địa tầng, kiến tạo, khoáng vật-khoáng sản… và đặc biệt là các di tích về hoạt động núi lửa trẻ.

Đáng chú ý là nhiều DSĐC đã được công nhận, xếp hạng ở cấp quốc gia và cấp tỉnh theo các tiêu chí văn hóa, lịch sử…, và đang được bảo tồn và khai thác phục vụ du lịch. Theo thống kê, toàn tỉnh Đăk Nông hiện có khoảng 12 đã được xếp hạng, trong đó đã xếp hạng 1 di sản cấp Quốc tế, 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 08 di tích quốc gia.

Đánh giá về các giá trị di sản trong khu vực CVĐC Đăk Nông

  1. Nhiều kiểu loại đá và lịch sử tiến hóa địa chất lâu dài, đa dạng và phức tạp:
  • Lịch sử của CVĐC Đắk Nông bắt đầu từ khoảng 600 triệu năm trước, khi nơi đây là một bộ phận của siêu lục địa cổ Gondwana.
  • Khoảng 170 triệu năm về trước, đại dương cạn dần, chuyển thành lục địa và tồn tại cho đến bây giờ;
  • Khoảng 150 triệu năm trước, các loại đá xâm nhập như granit hình thành, là nhân chứng của việc khu vực nằm ở ranh giới giữa các mảng kiến ​​tạo;
  • Khoảng thời gian từ 3,5 triệu năm trở lại đây, nơi đây đã xảy ra nhiều hoạt động núi lửa, tạo ra dòng dung nham bao phủ hơn một nửa diện tích CVĐC, sau này bị phong hóa thành lớp đất đỏ bazan trù phú, chứa nhiều loại khoáng sản.
  • Những hoạt động núi lửa cuối cùng ở Đăk Nông xảy ra cách đây khoảng < 10.000 năm (Holocene). Các miệng núi lửa và ống dung nham tạo thành hệ thống hang động núi lửa đồ sộ nhất khu vực Đông Nam Á là một số giá trị di sản địa chất tầm cỡ quốc tế của CVĐC.
  1. Nhiều dạng địa hình-địa mạo, nhiều cảnh quan kỳ vỹ:

CVĐC Đăk Nông nổi bật với địa hình cao nguyên basalt “cao nguyên M’nông” với kiểu địa hình lượn sóng đặc trưng; Do ảnh hưởng của hoạt động kiến tạo và các quá trình phun trào núi lửa đã tạo ra các cảnh quan như thác đá basalt, miệng núi lửa và đặc biệt là hệ thống hang động núi lửa.

– Dãy núi cao Nâm Nung (1.572m) được xem là “nóc nhà” của Đắk Nông;

– Các bậc địa hình, bề mặt san bằng và các dòng chảy bazan, thềm bazan;

– Các hồ nước tự nhiên: Hồ Ea Snô ở xã Đắk Rồ, Hồ Trúc ở xã Tâm Thắng , Hồ Tây ở thị trấn Đắk Mil

– Thác nước: Đray sap, Trinh Nữ, Gia Long, 7 tầng, Liêng Lung, Thác Trượt,….

– Hang động núi lửa: phân bố ở khu vực Đray Sáp-Chư B’Luk, được hình thành ngay trong quá trình phun trào và đông cứng của dung nham basalt; Đây là hệ thống hang động núi lửa độc đáo và có quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Trong các hang động còn ẩn chứa nhiều bí mật về cơ chế thành tạo, các tổ hợp khoáng vật, đa dạng sinh học và di chỉ khảo cổ… đang rất cần được các nhà khoa học nghiên cứu khám phá.

  1. Các hoạt động núi lửa trẻ:

Hoạt động núi lửa trẻ trên cao nguyên M’nông đã cùng với hoạt động núi lửa ở nhiều địa phương khác của Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, làm nên một bức tranh toàn cảnh về hoạt động núi lửa Kainozoi, cụ thể là từ Neogene giữa trở lại đây.

Các hoạt động núi lửa trải qua thời gian, đã hình thành nên ở khu vực này một dạng tài nguyên địa chất vô cùng giá trị, đó là lớp đất đỏ phì nhiêu, một phần biến Tây Nguyên thành một tích tụ khoáng sản bauxite tầm cỡ nhất nhì thế giới, nhưng một phần lớn hơn nhiều, thành một khu vực canh tác các loài cây công nghiệp lâu năm như cafe, hạt tiêu, cao su, chè, cacao… với sản lượng xuất khẩu hàng đầu thế giới.

  1. Một số giá trị di sản khác (văn hóa, lịch sử, khảo cổ học, đa dạng sinh học, cảnh quan…)

CVĐC Đăk Nông còn nhiều nét đặc sắc khác không những chỉ về khía cạnh DSĐC mà còn cả về các mặt văn hóa như:

– Di sản văn hóa phi vật thể cồng chiêng Tây Nguyên,

– Các lễ hội văn hóa của đồng bào M’nông, Ê đê, Mạ…,

– Các di tích văn hóa-lịch sử như Di tích lịch sử cách mạng Ngục Đắk Mil, Di tích lịch sử cách mạng Căn cứ kháng chiến B4-Liên tỉnh IV, Di tích lịch sử các địa điểm về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’nông do N’Trang Lơng lãnh đạo, Di tích lịch sử địa điểm bắt liên lạc khai thông đường Hồ Chí Minh – đoạn Nam Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ, Di tích lịch sử địa điểm lưu niệm N’Trang Gưh, Địa điểm chiến thắng Đồi 722-Đắk Sắk

– Giá trị đa dạng sinh học, cảnh quan (KBTTN Nâm Nung, Khu rừng đặc dụng Đray Sáp, VQG Yok Đôn, VQG Tà Đùng,..), các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, cây trồng,…. Như vậy, CVĐC Đăk Nông sẽ có giá trị đa dạng sinh học rất cao bên cạnh các giá trị văn hóa bản địa với rất nhiều truyền thuyết, huyền thoại – những hợp phần hết sức quan trọng của một CVĐC và đây chính là cơ sở để xây dựng Hồ Sơ trình UNESCO công nhận CVĐC Đăk Nông là CVĐC Toàn cầu.

Lễ hội cồng chiêng của người M’Nông

Trong số hệ thống hang động núi lửa ở CVĐC Đăk Nông có 10 hang có dấu tích khảo cổ thời tiền sử, phân bố chủ yếu ở huyện Krông Nô. Đó là di tích hang C1, hang C1-1, hang C3, hang C4, hang C4-1, hang C6, thuộc xã Đắk Sôr; các di tích hang C6’, hang C6-1, thôn Nam Tân, thuộc xã Nam Đà; di tích hang P1, xã Buôn Choa’h, và di tích hang P2, thôn Đắk Xuân, xã Nam Xuân.

Một số giá trị di sản địa chất tiêu biểu: 

Di sản kiểu A- cổ sinh

Ảnh: Hóa thạch Cúc đá Ectocentrites đường kính 30 cm trong tập đá phiến sét vôi màu đen (Hệ tầng Đrây Linh (J1 dl))

Di sản kiểu B – Địa mạo

Ảnh. Thác Liêng Nung, Gia Nghĩa, Đăk Nông (nguồn Hà Thế Bảo)

Ảnh: Hồ Tà Đùng

Ảnh: Núi lửa Chư B’luk nhìn từ xa (Huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông)

Ảnh: Hệ thống hang động núi lửa được hình thành do hoạt động của núi lửa Chu Bluk (Krông ô)