Nghiên cứu kiến thức bản địa về DSĐC, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy du lịch ở một số CVĐC Việt Nam

Tầm quan trọng của kiến thức bản địa trong việc nghiên cứu các di sản địa chất.

Trong quá trình sinh sống, cư trú, các cộng đồng dân cư tích lũy cho mình và các thế hệ con cháu những kiến thức, kỹ năng thích ứng, chung sống hài hòa với môi trường tự nhiên, gọi chung là kiến thức hay tri thức địa phương. Dưới hình thức những câu truyện cổ tích, dân gian, truyền thuyết, sự tích, hay thơ ca, ca dao,…cộng đồng cư dân luôn có cách nhìn độc đáo, cách lý giải riêng đối với các hiện tượng, sự kiện tự nhiên trong đó có các di sản địa chất. Những cách nhìn, cách lý giải này trong nhiều trường hợp rất gần gũi với bản chất khoa học của các hiện tượng tự nhiên, chúng có thể là những gợi mở cho các nghiên cứu khoa học. Đồng thời, việc nghiên cứu những tri thức địa phương này giúp nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng thêm phần hấp dẫn đối với các du khách, góp phần nâng cao chất lượng du lịch. 

Nhận thức được tầm quan trọng này, nhóm nghiên cứu của Viện khoa học Địa chất và Khoáng sản do Ths. Đỗ Thị Yến Ngọc chủ nhiệm đã tiến hành nghiên cứu đề tài: Nghiên cứu kiến thức bản địa về di sản địa chất, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy du lịch ở một số công viên địa chất Việt Nam. 

Thông tin đề tài:

1. Cơ quan chủ trì/phối hợp chính

Cơ quan chủ trì: Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản

Cơ quan phối hợp chính:

  • Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
  • BQL CVĐC Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang)
  • BQL CVĐC Non Nước Cao Bằng (Cao Bằng)
  • BQL CVĐC Gia Lai (Gia Lai)
  • BQL CVĐC Núi lửa Krong Nô (Đăk Nông)

2. Nội dung chính của đề tài.

Đề tài nghiên cứu kiến thức bản địa về di sản địa chất, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy du lịch ở một số công viên địa chất Việt Nam bao gồm 6 nội dung/ mục tiêu chính như sau:

  • Nghiên cứu, xây dựng hệ phương pháp, bộ tiêu chí điều tra, sưu tầm, đánh giá, chọn lọc, tìm hiểu tri thức địa phương về DSĐC
  • Nghiên cứu áp dụng hệ phương pháp, bộ tiêu chí trong điều tra, sưu tầm, đánh giá, chọn lọc, phân loại tri thức địa phương về Di sản địa chất (DSĐC) tại 04 Công viên địa chất (CVĐC) ở các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Gia Lai và Đăk Nông, đối sánh với kết quả của công tác điều tra, nghiên cứu chuyên ngành về địa chất
  • Xây dựng cơ sở dữ liệu và bộ tài liệu tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng tri thức địa phương về DSĐC ở 04 CVĐC
  • Nghiên cứu triển khai áp dụng thử nghiệm bộ tài liệu tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về tri thức địa phương về DSĐC ở một số trường học, làng xã, góp phần thúc đẩy du lịch ở 04 CVĐC
  • Nghiên cứu hoàn thiện quy trình, hệ phương pháp, bộ tiêu chí để chuyển giao, làm hình mẫu nhân rộng ra các địa phương khác.
  • Tổ chức các cuộc hội thảo trong nước, tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế.

Cơ sở nghiên cứu đề tài

CVĐC là những khu vực hội tụ một cách phong phú nhất các DSĐC cùng các giá trị di sản khác nhau. Vì vậy, qua tìm hiểu, nhóm nghiên cứu đề xuất tiến hành, triển khai đề tài tại 4 CVĐC sau:

  • CVĐC Toàn cầu của UNESCO trên Cao nguyên đá Đồng Văn ( tỉnh Hà Giang)
  • CVĐC Non nước Cao Bằng ( tỉnh Cao Bằng), thành lập năm 2015 và vừa trình UNESCO hồ sơ xét công nhận là CVĐC Toàn cầu 2016.
  • CVĐC Gia Lai ( tỉnh Gia Lai)
  • CVĐC Krông Nô ( tỉnh Đăk Nông) mới được thành lập và đang trong quá trình điều tra, nghiên cứu, đánh giá tổng thể các giá trị di sản, làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là CVĐC Toàn cầu.

Cao nguyên đá đồng văn – một trong 4 khu vực được chọn để tiến hành nghiên cứu đề tài

Đây cũng là 4 khu vực có đa dạng, phong phú những tri thức địa phương về các giá trị di sản nhất. Do vậy, đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ, hợp tác từ chính quyền 4 địa phương kể trên.

Sản phẩm dự kiến của đề tài

  • Báo cáo khoa học tổng hợp với tên gọi “Nghiên cứu kiến thức bản địa về di sản địa chất, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy du lịch ở một số công viên địa chất Việt Nam” và các Báo cáo chuyên đề kèm theo;
  • Bản đồ phân bố các kiểu loại kiến thức bản địa về DSĐC ở 04 CVĐC thuộc các tỉnh kể trên tỷ lệ 1/50.000;
  • Cơ sở dữ liệu về kiến thức bản địa về DSĐC ở 04 CVĐC thuộc các tỉnh kể trên (gồm các bản vẽ, bản ảnh, sơ đồ minh họa và mô tả, hồ sơ khoa học… được số hóa và các mẫu vật thu thập được);
  • Bộ tài liệu về kiến thức bản địa về DSĐC cho 04 CVĐC thuộc các tỉnh kể trên;
  • Bộ hồ sơ đề nghị Nhà nước/UBND tỉnh công nhận và xếp hạng 04 kiến thức bản địa tiêu biểu về DSĐC ở 04 CVĐC thuộc các tỉnh kể trên là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp quốc gia/tỉnh;
  • 03 bài báo đăng trong tuyển tập Hội nghị quốc tế và tạp chí trong nước;
  • Đào tạo 02 ThS và góp phần đào tạo 01 TS.

Tiến độ dự kiến.

Tiến độ thực hiện các nội dung/công việc của đề tài dự kiến từ 6/2017 đến 6/2020.

Đây là đề tài độc lập cấp quốc gia được đánh giá là có tính ứng dụng rất cao trong việc bảo tồn và phát huy các di sản địa chất trong khuôn khổ công viên địa chất. Từ đó giúp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng về DSĐC, phát triển du lịch địa chất và mở mang thêm các cơ hội việc làm mới.