Hội thảo khoa học về hiện trạng phát triển của thực vật đèn tại các hang động khai thác du lịch trên vịnh Hạ Long và các biện pháp xử lý, quản lý bền vững hang động vịnh Hạ Long

Vào hồi 8h 30 phút sáng ngày 26 tháng 9 năm 2019 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh,  Hội thảo khoa học, trong khuôn khổ đề tài: ‘’Hiện trạng phát triển của thực vật đèn tại các hang động khai thác du lịch trên vịnh Hạ Long và các biện pháp xử lý, quản lý bền vững hang động vịnh Hạ Long’’ được Ban Quản lý Vịnh Hạ Long kết hợp cùng Trung tâm Karst và Di sản Địa chất (Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản) tổ chức. Các đại biểu, nhà khoa học tham dự hội thảo đến từ các sở ban ngành của tỉnh Quảng Ninh, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, Trung tâm Karst và Di sản địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội và Tổng hội Địa chất. Hội thảo được chủ trì bởi ThS. Nguyễn Huyền Anh, Phó Trưởng ban quản lý Vịnh Hạ Long.

Các cán bộ nghiên cứu đến từ Trung tâm Karst và Di sản địa chất và Đại học KHTN đã trình bày 04 bài tham luận về điều kiện vi khí hậu, cấu chủng loại thực vật phát triển trên nhũ đá, và mối tương quan giữa điều kiện môi trường, chế độ chiếu sáng của thực vật đèn trong các hang động đã và đang khai thác du lịch thuộc Vịnh Hạ Long.

Trong bài trình bày: “Điều kiện vi khí hậu trong một số hang động vịnh Hạ Long” ThS Cao Thị Hường, Trung tâm Karst và Di sản Địa chất đã đưa ra một số kết quả nghiên cứu sau:

– Nhiệt độ ở các hang Sửng Sốt, Đình Thu, Tam Cung tuân theo quy luật thời tiết chung: cao về mùa hè (tháng 8/2018, tháng 5/2019) và thấp về mùa đông (tháng 12/2018, tháng 2/2019). Nhiệt độ trong hang và ngoài hang chênh nhau từ 1-20, trong cùng 1 đợt đo. Độ ẩm ở các hang cao, dao động từ 70 – 94%. Nhiệt độ, độ ẩm trong lòng hang thường cao hơn ở ngoài cửa hang. Hang Sửng Sốt có nhiệt độ cao hơn so với các hang Đình Thu tương đương với động Tam Cung. Hang Đình Thu có độ ẩm trung bình lớn nhất.

Nhiệt độ trong một số hang thuộc vịnh Hạ Long

Hang Sửng Sốt Hang Đình Thu Động Tam Cung
Có khách Hết khách (sau 17h) Không có khách (Sáng sớm)
Tháng 8/2018
Cửa hang 29.9 28 27.8 29
Trong lòng hang 29.1 28.3 27 28.7
Tháng 12/2018
Cửa hang 24.1 24.4 23 25.1
Trong lòng hang 25.5 25.8 22.5 25
Tháng 2/2019
Cửa hang 25.3 24.2 23.3 24.1 27
Trong lòng hang 25.6 24.4 23.9 23.1 27
Tháng 5/2019
Cửa hang 28.3 27 27.6 27 30.1
Trong lòng hang 27.7 26.7 26.1 27 29.9

 

Độ ẩm trong một số hang thuộc vịnh Hạ Long

Hang Sửng Sốt Hang Đình Thu Động Tam Cung
Có khách Hết khách (Sau 17h) Không có khách (sáng sớm)
Tháng 8/2018
Cửa hang 72.5 79.6 83.6 77.2
Trong lòng hang 81.2 80.7 87.3 77.9
Tháng 12/2018
Cửa hang 76.9 75.05 80.4 81.7
Trong lòng hang 71.9 70.2 83.5 84.3
Tháng 2/2019
Cửa hang 80 83.8 77 85.1 74.5
Trong lòng hang 80.1 83.8 78.5 87.4 74
Tháng 5/2019
Cửa hang 83.5 87.2 85.3 84.1 75.6
Trong lòng hang 83.5 88.2 88.3 85.3 72.5

– Nồng độ khí CO2 ở Đình Thu lớn nhất, do đó, quá trình hòa tan xảy ra nhiều hơn quá trình tạo thành thạch nhũ. Động Tam Cung cũng có hiện tượng tích tụ CO2 trong lòng hang nhưng có nồng độ thấp hơn. Hang Sửng Sốt, nồng độ CO2 ở thời điểm có khách thấp hơn thời điểm không có khách vào tháng 2 và tháng 5/2019. Trong hang Sửng Sốt, của tảo, rêu và thực vật bậc cao xuất hiện ở mật độ khá dày nên buổi tối, hoạt động hô hấp diễn ra làm cho nồng độ CO2 tăng. Tháng 2 và tháng 5 là thời điểm khí hậu nồm ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho thực vật phát triển. Bề mặt đá vôi ở hang Sửng Sốt bị bao phủ bởi lớp thực vật, và sự trao đổi của thực vật làm thay đổi cấu trúc và thành phần của đá vôi và góp phần làm quá trình phong hóa diễn ra nhanh hơn.

Ts. Nguyễn Thùy Liên (Khoa Sinh học, Trường Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), trong bài trình bày: “ Đánh giá mật độ, thành phần loài, sự phân bố, phát triển của thực vật xuất hiện trên nhũ đá trong hang động do tác động của ánh sáng nhân tạo”, đã thống kê một cách khá toàn diện về mật độ, thành phần loài, sự phân bố, phát triển của thực vật đèn xuất hiện trên nhũ đá. Trong đó:

– Đã xác định được 32 loài tảo tại hang Sửng Sốt và động Tam Cung, trong đó có 28 loài tảo lam (vi khuẩn lam/ Cyanobacteriophyta); 3 loài tảo lục (Chlorophyta)và 1 loài tảo silic (Bacillariophyta).

– Khoảng cách từ nguồn sáng đến vị trí thu mẫu dưới 1 m là điều kiện gia tăng số loài tảo trên bề mặt, đồng thời khiến thành phần loài có sự chuyển biến từ nhóm tảo dạng hạt và tập đoàn sang nhóm tảo dạng sợi. Có sự tương đồng nhất định trong thành phần loài tảo từ cửa hang vào trong hang.

– Rêu và dương xỉ thường xuất hiện ở các vị trí nền đất gần nguồn sáng đèn. Đặc biệt vị trí HL.SS.07, nơi có cả ánh sáng tự nhiên yếu, dương xỉ phát triển khá mạnh.

– Mật độ tế bào tảo tại các điểm thu mẫu khác nhau có sự khác biệt khá lớn, phụ thuộc vào điều kiện ánh sáng và độ ẩm.

Một số hình ảnh về thạch nhũ bị phủ bởi thực vật đèn trong hang Sửng Sốt

– Trong điều kiện không có ánh sáng, bề mặt hang động không thấy có sự xuất hiện của tảo. Thực vật bậc cao cũng không thể phát triển.

Tiếp nối chương trình hội thảo ThS. Đỗ Thị Yến Ngọc trình bày về nội dung “Nghiên cứu, đánh giá sự biến đổi và cấu trúc, tính chất thạch nhũ do sự phát triển của thực vật đèn”. Trong bài trình bày, ThS Ngọc đã có những đánh giá như sau: Đối với hang Đình Thu và Tam Cung hiện chưa khai thác du lịch và tạm dừng khai thác du lịch, cấu trúc hang và hệ thống nhũ được bảo tồn khá tốt, có tính thẩm mỹ cao. Các mẫu nhũ đá trong hang Đình Thu và Tam Cung thu thập là mẫu không có thực vật đèn; Hang Tam Cung thu thập một số mẫu ngoài cửa hang có thực vật bậc thấp phát triển tuy nhiên do ảnh hưởng của ánh sáng tự nhiên không phải ánh sáng đèn. Nhưng thạch nhũ ngoài cửa hang Tam Cung cũng bị phong hóa, biến đổi mạnh.

Hang Sửng Sốt hiện đang khai thác du lịch, hệ thống ánh sáng hiện đã được cải thiện thay thế và điều khiển cường độ sáng tự động; Do mật độ bóng khá dày bố trí dọc tuyến đường trong hang, cộng thêm các hệ thống chiếu sáng lên các hệ thống nhũ, trần hang đã kích thích sự phát triển của thực vật đèn; đặc biệt những khu vực có độ ẩm cao thì các thực vật đèn phát triển khá nhanh. Hệ thống thực vật phát triển sau một thời gian bị chết tạo thành lớp mùn có nhiều màu khác nhau phủ lên bề mặt thạch nhũ gây mất mỹ quan; Mẫu thạch nhũ thu thập bao gồm cả mẫu thạch nhũ có phủ thực vật đèn và mẫu không phủ thực vật đèn. Kết quả phân tích cho thấy, thực vật đèn tác động chủ yếu bên phần ngoài của thạch nhũ, làm cản trở sự kết tinh và phá hủy các cấu trúc trên bề mặt thạch nhũ.

Mẫu thạch nhũ không bị phủ thực vật đèn HLĐT 19/2 dưới kính hiển vi (hang Đình Thu)

Mẫu thạch nhũ bị phủ thực vật đèn dưới kính hiển vi tại hang Sửng Sốt (HLSS19/1)

Ngô Thị Thúy Hường đã trình bày về nội dung “Nghiên cứu, đánh giá mối tương quan giữa điều kiện môi trường, chế độ chiếu sáng và sự phân bố của thực vật đèn trong các hang động đã và đang khai thác du lịch”. Trong hang Sửng Sốt, Ts. Hường đã thống kê được 8 loại đèn với nhiệt độ màu 2700K-65000K, phát ra ánh sáng ấm, trung tính và tự nhiên. Hệ thống đèn làm cho nhiệt độ ở các vị trí thạch nhũ cách đèn từ 2-3 m, tăng cao hơn so với ngoài cửa hang và độ ẩm thì ngược lại.

Trong khi đó tại các hang động đã dừng khai thác hoặc chưa đưa vào khai thác du lịch như động Tam Cung và hang Đình thu thì có xu hướng ngược lại, nhiệt độ trong lòng hang thấp hơn và độ ẩm cao hơn ngoài cửa hang. Do đó, có thể kết luận rằng hệ thống đèn chiếu sáng trong hang làm thay đổi điều kiện môi trường vi khí hậu trong hang, tạo điều kiện thuận lợi cho thực vật đèn phát triển. Đặc biệt, ở các khu vực mà đèn chiếu trực tiếp, diện tích thực vật bao phủ rất lớn và với mật độ dầy đặc hơn.

(a) (b) (c) (d) (e)

Một số loại đèn được sử dụng trong hang Sửng Sốt (Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản)

STT Vị trí Loại ánh sáng Cường độ (Lux) Khoảng cách từ đến nguồn sáng  

Các loài thực vật

1 Cửa hang vào Tự nhiên 1720 Đặt ngay trên bề mặt thạch nhũ Tảo lam Cyanobacteriophyta và tảo lục Chlorophyta, dạng hạt
2 Giữa phòng 1 LED max 50W 170-530 2 m Tảo lam Cyanobacteriophyta và tảo lục Chlorophyta, dạng hạt
3 Đối diện với trụ quyền lực LED max 50W; LED max 68W , đèn nấm 54-228 Trên thạch nhũ cách đèn 2,65m LED max 50 và LED max 68 Tảo lam Cyanobacteriophyta dạng hạt
76-328 Trên mặt đất cách đèn 20 cm Tảo silic và tảo lam Bacillariophyta, Cyanobacteriophyta dạng sợi phát triển mạnh, rêu, dương xỉ
4 Cuối hang LED max 50W, đèn nấm 10 – 190 Trên thạch nhũ cách đèn 1,95m so với đèn LED max 50 Tảo lam Cyanobacteriophyta
5 Hố sụt trên đường ra LED max 68W 14-53 Trên thạch nhũ cách đèn 8,45 m Tảo lục Chlorophyta, dạng hạt
6 Trụ quyền lực LED max 68W 35-584 Trên thạch nhũ cách đèn 2,65 m Tảo lam Cyanobacteriophyta dạng hạt
65-670 Trên nền đất cách đèn 20 cm Tảo silic và tảo lam Bacillariophyta, Cyanobacteriophyta dạng sợi phát triển mạnh, rêu, dương xỉ
7 Cửa hang ra Tự nhiên 1087 Đặt ngay trên bề mặt thạch nhũ Tảo lam Cyanobacteriophyta, dương xỉ

Nhóm tác giả đề tài cũng trình bày dự thảo quy trình xử lý thực vật đèn trong đó phần thực nghiệm với hóa chất  được pha chế ở các nồng độ khác nhau  được tiến hành tại hang Sửng Sốt.

Vị trí xử lý thực vật đèn bằng hóa chất ở hang Sửng Sốt

Phát biểu tổng kết hội thảo, ThS. Nguyễn Huyền Anh, Phó Trưởng ban Quản lý Vịnh Hạ Long ghi nhận nhóm tác giả đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của đề tài. ThS Nguyễn Huyền Anh cũng yêu cầu nhóm tác giả trong thời gian tới cần khẩn trương soạn thảo quy trình hướng dẫn xử lý thực vật đèn theo yêu cầu sau: phải định lượng hóa các chủng loại thực vật đèn theo tiêu chí: phổ biến nhất và gây hại cho thạch nhũ; cùng với đó, điều kiện thực tiễn của các hang động trên vịnh Hạ Long cần được chú trọng. Ban Quản lý Vịnh Hạ Long sẽ tạo điều kiện và phối hợp với các thành viên đề tài để quan trắc toàn diện kết quả thực nghiệm trong tương lai. Quy trình xử lý thực vật đèn sẽ là một trong những phần quan trọng của quy chế quản lý bảo tồn di sản trong khai thác du lịch của Vịnh Hạ Long.

Hội thảo kết thúc lúc 12h10 ngày 26 tháng 9 năm 2019.