Hội thảo về Dự thảo hệ phương pháp, bộ tiêu chí điều tra, sưu tầm, đánh giá, chọn lọc, tìm hiểu tri thức địa phương về DSĐC sẽ áp dụng thử nghiệm ở Việt Nam

Vào 8h30 sáng thứ 6, ngày 29 tháng 6 năm 2018, tại Hội trường tầng 3 Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (VĐC-KS) đã diễn ra Hội thảo về dự thảo hệ phương pháp, bộ tiêu chí điều tra, sưu tầm, đánh giá, chọn lọc, tìm hiểu tri thức địa phương về DSĐC sẽ áp dụng thử nghiệm ở Việt Nam.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ của đề tài khoa học và công nghệ cấp nhà nước về nghiên cứu kiến thức bản địa về DSĐC, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy du lịch ở một số công viên địa chất Việt Nam do Viện khoa học Địa chất và khoáng sản chủ trì đề tài, chủ nhiệm đề tài là Giám đốc trung tâm Karst và di sản địa chất – Ths. Đỗ Thị Yến Ngọc.

Tham dự hội thảo có sự góp mặt của các khách mời: GS.TS Trần Văn Trị (Tổng hội địa chất), PGS.TS Trần Tân Văn ( Viện trưởng Viện khoa học Địa chất và khoáng sản), PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển (Viện khoa học Địa chất và khoáng sản), cùng nhiều cán bộ, chuyên viên và viên chức  thuộc các phòng quản lý và nghiên cứu của VĐC-KS, các Trung tâm của VĐC-KS .

Hội thảo có sự tham dự của đông đảo các cán bộ, chuyên viên

Thay mặt nhóm nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài Ths. Đỗ Thị Yến Ngọc đã trình bày những nội dung chính của hội thảo:

  • Một số tiêu chí khoa học điều tra, sưu tầm, đánh giá, phân loại, chọn lọc, xếp hạng tri thức địa phương về DSĐC đang được áp dụng trên thế giới và ở Việt Nam, dự thảo bộ tiêu chí sẽ áp dụng thử nghiệm ở các vùng nghiên cứu.
  • Một số phương pháp điều tra, sưu tầm, đánh giá, chọn lọc, phân loại, xếp hạng tri thức địa phương về DSĐC đang được áp dụng trên thế giới và ở Việt Nam, dự thảo hệ phương pháp sẽ áp dụng thử nghiệm ở các vùng nghiên cứu.

Ths. Đỗ Thị Yến Ngọc trình bày những nội dung chính của hội thảo

Sau khi lắng nghe những nội dung chính của hội thảo, Viện trưởng VĐC-KS PGS.TS Trần Tân Văn phát biểu, đánh giá cao các phương pháp dự thảo mà hội thảo đã đề ra, trong đó đặc biệt nhấn mạnh phương pháp “tiếp cận ngược”. Viện trưởng cho rằng: Phương pháp tiếp cận ngược là phương pháp mới mẻ, sẽ giúp rút ngắn được thời gian nghiên cứu  và mang lại hiệu quả cao.

Tiếp theo là ý kiến phát biểu của PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển: “Để đạt kết quả nghiên cứu tốt nhất, chúng ta nên dựa vào các tri thức địa phương, tri thức dân gian ( ca dao, dân ca, sự tích,..), các hiện vật hiện hữu tại đia phương và các loại hình địa chất liên quan để từ đó chắt lọc, đánh giá và phát hiện ra các tri thức có giá trị bảo tồn, cần phát huy”.

PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển phát biểu tại Hội thảo

Ngoài ra còn có nhiều ý kiến đóng góp và phản biện của các khách mời, cán bộ, chuyên viên khác.

Kết thúc hội thảo, chủ nhiệm đề tài Ths. Đỗ Thị Yến Ngọc cảm ơn ý kiến đóng góp của tất cả khách mời tham dự và tiếp thu những ý kiến đóng góp này để xây dựng và hoàn thiện đề tài đạt kết quả tốt nhất.

Hội thảo thành công tốt đẹp và kết thúc vào 10h30 cùng ngày.