Báo cáo thông qua các nội dung của Hồ sơ mở rộng Công viên Địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng

Ngày 2/11/2020 tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, cơ quan tư vấn Trung tâm Karst và Di sản địa chất, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã báo cáo về kết quả xây dựng Hồ sơ trình UNESCO mở rộng CVĐC Toàn cầu non nước Cao Bằng năm 2020.

Ảnh 1. Đại diện BQL CVĐCTC UNESCO Non Nước Cao Bằng thảo luận một số nội dung cần trao đổi của cuộc họp

Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo Sở VHTT và Du lịch Cao Bằng – chủ trì cuộc họp, Trưởng ban quản lý CVĐC non nước Cao Bằng, các Sở ban ngành, lãnh đạo và chuyên viên Uỷ ban nhân dân thành phố Cao Bằng và các huyện Hòa An, Phục Hòa, Thạch An.
Phát biểu khai mạc, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý CVĐCTC UNESCO Non Nước Cao Bằng – ông Trương Thế Vinh đã trình bày nội dung và mục đích của cuộc họp; Đề xuất thời gian hoàn thành thủ tục hoàn thiện hồ sơ mở rộng CVĐCTC UNESCO Non Nước Cao Bằng, mong muốn được sự thống nhất và góp ý của các Sở ban ngành hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO vào trung tuần tháng 11 năm 2020.

PGS.TS Trần Tân Văn – đại diện cơ quan tư vấn trình bày những kết quả đạt được của công tác điều tra, khảo sát khu vực mở rộng CVĐCTC UNESCO Non Nước Cao Bằng. Kết quả nghiên cứu bổ sung:

Xác định 47 điểm di sản địa chất trong đó: 02 điểm cổ sinh, 06 điểm di sản đá, 05 điểm di sản địa tầng, 07 điểm di sản kiến tạo, 07 điểm di sản cổ môi trường, 03 điểm di sản khoáng vật-khoáng sản và kinh tế địa chất, 17 điểm di sản địa mạo;

Giá trị đa dạng sinh học: 31 nguồn gen cây trồng, vật nuôi đặc sản và Cụm 03 cây di sản ở đền Kỳ Sầm…

Xác nhận 14 di sản văn hóa vật thể trong đó: 06 di tích lịch sử-văn hóa; 05 di tích lịch sử cách mạng; 03 di tích thời nhà Mạc;

Giá trị di sản văn hóa phi vật thể: Lễ hội chùa Đà Quận, đền Kỳ Sầm, chùa Đống Lân, Thanh Minh ở Miếu Quan Đế…; Lễ hội Nàng Hai ở ở thôn Chu Lăng, xã Kim Đồng, huyện Thạch An (đầu tháng đến 18/3 âm lịch), giống nhiều địa phương khác trong tỉnh (xã Tiên Thành, huyện Quảng Hòa, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2017); Nghề thủ công truyền thống (đàn Tính, miến dong, bánh khảo…); Các món ẩm thực (phở chua, xôi trám, bánh trứng kiến, lạp xường, bánh trôi, bánh áp chao nhân thịt vịt…)

Ông cũng phân tích cơ sở khoa học và thực tiễn về việc mở rộng CVĐCTC UNESCO Non Nước Cao Bằng là thực sự cấp thiết. Diện tích mở rộng bao gồm: toàn bộ thành phố Cao Bằng, một số xã thuộc huyện Hòa An, Quảng Hòa và Thạch An.

Đề xuất kế hoạch tuyến du lịch thứ 4 từ trung tâm TP. Cao Bằng về Thạch An. Bao gồm 15 điểm di sản cho tuyến du lịch gồm các điểm di sản địa chất (địa chất, địa mạo, cổ sinh, địa tầng, cổ môi trường…), văn hóa và đa dạng sinh học. Các điểm được lựa chọn đã được nhóm khảo sát cùng chuyên gia tư vấn thông qua nhiều yếu tố đảm bảo thời gian du lịch của 1 tuyến. Qua đây, PGS.TS Trần Tân Văn cũng đưa ra một số nội dung cùng thảo luận để thống nhất với các các đơn vị Sở ban ngành trong việc bảo tồn các giá trị di sản mới được đề xuất trong tuyến.

Ảnh 2. Đại diện cơ quan tư vấn PGS.TS Trần Tân Văn trình bày kết quả công tác điều tra, khảo sát khu vực mở rộng CVĐCTC UNESCO Non Nước Cao Bằng

Sau khi lắng nghe ý kiến của Ban quản lý và cơ quan tư vấn, đại diện các Sở ban ngành tỉnh Cao Bằng đã có những đóng góp tích cực trong nội dung xây dựng hồ sơ CVĐCTC UNESCO Non Nước Cao Bằng. Qua đó thống nhất chủ trương mở rộng CVĐCTC UNESCO Non Nước Cao Bằng về thành phố Cao Bằng và góp ý chỉnh sửa một số nội dung để hoàn thiện hồ sơ, đề xuất thêm những điểm di sản có tiềm năng khai thác du lịch cho tuyến 3 tuyến du lịch đã có có tuyến du lịch thứ 4.

 Ảnh 3. Đại diện các Sở ban ngành trao đổi, thống nhất ý kiến về nội dung mở rộng CVĐCTC UNESCO Non Nước Cao Bằng

Kết thúc cuộc họp, giám đốc Sở VHTT và Du lịch tỉnh Cao Bằng, ông Sầm Việt An kết luận công tác mở rộng CVĐC Toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng bao gồm cả TP. Cao Bằng là rất cần thiết và phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Ông cũng chỉ ra những lợi ích của mô hình CVĐC Toàn cầu UNESCO mang lại cho tỉnh Cao Bằng trong những năm qua với lượng du lịch tăng đột biến, đặc biệt là du khách nước ngoài. Do đó cần tiếp tục xây dựng những kế hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị di sản phục vụ phát triển bền vững khu vực CVĐC Toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng nói riêng và tỉnh Cao Bằng nói chung.