Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 về Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO tại Italy

Ngày 8 – 14/9/2018 vừa qua, tại Adamanllo Brenta Geopark, Madonna di Campiglio, Italy đã diễn ra Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 về Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO với chủ đề: “Công viên địa chất và sự phát triển bền vững”. Hội nghị có sự góp mặt của hơn 1.200 đại biểu đến từ 5 châu lục trên thế giới, trong đó có tới 50 cán bộ Việt Nam đến từ các cơ quan khác nhau tham gia, đóng góp ý kiến rất tích cực. Đây là cơ hội để các nền văn hóa từ những quốc gia khác nhau cùng thảo luận về việc gìn giữ môi trường tự nhiên một cách tốt nhất, cùng nhau thực hiện cam kết tìm ra các chiến lược phát triển bền vững tương lai hành tinh cho nhân loại.

Tham dự tại hội nghị này, về phía đại diện của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản có Viện trưởng PGS.TS Trần Tân Văn, bà Đỗ Thị Yến Ngọc – Giám đốc trung tâm Karst và Di sản Địa chất cùng một số cán bộ khác. 

Đoàn Việt Nam chụp ảnh kỷ niệm tại Hội nghị, trong đó có các cán bộ đến từ Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản.

Sáng ngày 12/9 lễ khai mạc chính thức Hội nghị quốc tế lần thứ 8 về Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO đã diễn ra trang trọng tại Trung tâm Hội nghị thị trấn Madona di Campiglio (Italy).

 

Lễ khai mạc Hội nghị quốc tế lần thứ 8 về Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO tại Công viên địa chất Adamello Brenta, Madona di Campiglio (Italy)

Ngay sau lễ khai mạc là các phiên họp và thảo luận theo các chủ đề: (1) Công viên địa chất, du lịch và phát triển bền vững (Geoparks, sustainable tourism and sutainable local development, (2) Giáo dục, nhận thức cộng đồng và truyền thông (Education, public awareness an communication), (3) Hợp tác trong khu vực và quốc tế (Regional and International UNESCO collaborations), (4) Các công viên địa chất tiềm năng (Aspiring Geoparks). Trong đó, đoàn Việt Nam đã có 9 bài trình bày với các chủ đề khác nhau. Các bài trình bày đã giới thiệu được những giá trị di sản địa chất tiêu biểu ở khu vực các CVĐC Việt Nam. Đặc biệt, các cán bộ cũng đã trao đổi trong Hội nghị về các hoạt động nghiên cứu, phương thức triển khai nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, phát triển du lịch, phát huy các giá trị di sản địa chất phục vụ việc phát triển bền vững theo các tiêu chí của mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO.

Bà Đỗ Thị Yến Ngọc – Giám đốc Trung tâm Karst và Di sản địa chất  tham gia trình bày và thảo luận tại hội nghị với chủ đề: Tri thức địa phương về di sản địa chất – một số nghiên cứu bước đầu tại CVĐC Gia Lai

Bên lề hội nghị, đoàn Việt Nam đã tham gia các phiên họp Ủy ban Tư vấn Mạng lưới Công viên địa chất Châu Á Thái Bình Dương (Asia Pacific Geoparks Network Advisory Committee Meeting), Ủy ban Điều phối Mạng Châu Á Thái Bình Dương (Asia Pacific Network Coordination Committee Meeting); Các đại biểu đã thảo luận về các vấn đề hợp tác giữa các công viên địa chất trong mạng lưới Châu Á – Thái Bình Dương, các chương trình nghị sự và các mục tiêu cần đạt đến năm 2030. Trong đó, Trưởng Tiểu ban Chuyên môn về Công viên Địa chất Toàn cầu của Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản – PGS.TS. Trần Tân Văn – được mời tham gia Ban tư vấn của Mạng lưới CVĐCTC của UNESCO (GGN) cũng như của Mạng lưới CVĐCTC khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (APGN), đồng thời được bầu làm Trưởng nhóm làm việc về Karst ở APGN.

Cuộc họp của Ủy ban Điều phối Mạng Châu Á Thái Bình Dương (Asia Pacific Network Coordination Committee Meeting)

Hội nghị đã trao các phần thưởng cho các nhà khoa học, các nhà quản lý đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO và các công viên địa chất tiêu biểu có hoạt động hiệu quả trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng. Hội nghị cũng thông báo kết quả thẩm định, tái thẩm định các CVĐC trên thế giới. Trong đó, Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng đã được trao Chứng nhận là CVĐCTC của UNESCO, CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn cũng đón nhận tin vui về kết quả tái thẩm định 2018.