Khảo sát, đánh giá sơ bộ về triển vọng thành lập Công viên Địa chất tại tỉnh Lạng Sơn

Thực hiện lời mời theo văn bản số 342/SVHTTDL-QLDL ngày 26/3/2021 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, đoàn cán bộ khoa học của Trung tâm Karst và Di sản Địa chất, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Viện ĐCKS), đã thực hiện đợt khảo sát ngắn nhằm đánh giá triển vọng thành lập công viên địa chất (CVĐC) ở một số khu vực thuộc tỉnh Lạng Sơn.

Đoàn khảo sát tại cây đa cổ thụ xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn

Trong thời gian từ ngày 30/3/2021 đến ngày 02/4/2021, Đoàn công tác gồm các cán bộ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, các cán bộ khoa học Trung tâm Karst và Di sản Địa chất (Viện ĐCKS) cùng các cán bộ địa phương trên địa bàn đến làm việc đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu, đánh giá sơ bộ các giá trị về địa chất – địa mạo, văn hóa, khảo cổ và đa dang sinh học,.. tại các huyện Hữu Lũng, Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan và Chi Lăng.

Đoàn công tác họp và làm việc tại UBND huyện Bắc Sơn và huyện Bình Gia

Kết quả sơ bộ bước đầu theo đánh giá của đoàn công tác cho thấy: Các giá trị văn hóa, khảo cổ, lịch sử, dân gian (có thể cả giá trị đa dạng sinh học), sản vật địa phương, ẩm thực truyền thống, cảnh quan… rất phong phú, đặc sắc, khác biệt, đa phần đã được nhận dạng, thống kê, phân loại, xếp hạng một cách bài bản, hệ thống; Tiềm năng di sản địa chất (DSĐC) ở các huyện kể trên khá phong phú, đặc biệt là hệ thống các hang động rất nhiều và rất đồ sộ (cả về chiều dài, chiều rộng lẫn chiều cao). Hệ thống các trũng hoặc thung lũng giữa núi, đa phần chưa còn liên thông với nhau, còn phân cách nhau bởi các cụm đỉnh dạng chóp nón khá cân đối và các quèn, yên ngựa nối đỉnh (có thể tạo nên các hồ nước tự nhiên ở lưng chừng núi). Sự có mặt của nhiều phân vị địa chất, trong đó nhiều phân vị lần đầu tiên được xác định ở tỉnh Lạng Sơn, cũng là một tiền đề để xác định nhiều kiểu loại DSĐC khác, thí dụ như các bất chỉnh hợp địa tầng, các ranh giới thời địa tầng (thí dụ P/T hoặc F/F)…

Khảo sát vách đá tại xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng Khảo sát rừng hồi tại xã Hoàng Văn Thụ huyện Bình Gia

Một số giá trị DSĐC (thí dụ hang động, thác nước, sông suối) bước đầu đã được nhận dạng, phát hiện, khai thác, sử dụng mặc dù có thể còn chưa ý thức được đó là các DSĐC mà mới chỉ là các danh lam thắng cảnh. Cần triển khai công tác điều tra, nhận dạng, thống kê, phân loại, đánh giá, đề xuất xếp hạng các DSĐC một cách hệ thống, toàn diện (bao gồm cả các tri thức địa phương về chúng) để có một bức tranh tổng quan đầy đủ hơn về dạng tài nguyên mới này, để cùng các giá trị di sản hiện có và hiện đã biết khác, đưa vào bảo tồn, phát huy giá trị tổng thể trong khuôn khổ một CVĐC.

Thăm quan Bảo tàng Di tích lịch sử Quốc gia Chi Lăng Khảo sát tại xã Điềm He, huyện Văn Quan

Thời gian khảo sát tuy ngắn nhưng kết quả ban đầu đạt được khá tốt. Đoàn công tác đã nhận được sự hợp tác, hỗ trợ, tạo điều kiện hết sức nhiệt tình, chu đáo, bài bản của Sở VHTTDL tỉnh Lạng Sơn và chính quyền các huyện Hữu Lũng, Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan và Chi Lăng. Trung tâm Karst và Di sản Địa chất, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản xin trân trọng cảm ơn sự hợp tác, phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện kể trên.