Trung tâm Karst và Di sản Địa chất Triển khai thực hiện nhiệm vụ: Lập Quy hoạch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn 2050.

Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở vùng cực Bắc của Tổ quốc, có diện tích tự nhiên 7.914,88 km2. Tỉnh được chia thành 11 huyện, thành phố gồm 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc (Huyện Meo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ); 02 huyện vùng cao núi đất phía Tây (Huyện Xín Mần, Hoàng Su Phi); 05 huyện vùng đồi núi thấp (Thành phố Hà Giang và huyện Bắc Mê, Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Binh). Trung tâm tỉnh là thành phố Hà Giang, cách thủ đô Hà Nội khoảng 320 km.

Thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020 (được phê duyệt tại Quyết định số 206/2016/QĐ-TTg ngày 02/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ), tỉnh Hà Giang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội ổn định. Đến nay, Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần được nghiên cứu, xây dựng mới cho phù hợp với tình hình mới, đó là:

(1) Một số chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đang được nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện như: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội thời kỳ 2021-2030, các quy hoạch được xây dựng mới theo Luật Quy hoạch (quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng) sẽ có tác động trực tiếp đến định hướng phát triển của tỉnh Hà Giang trong những năm tới. Mặt khác, theo yêu cầu của Luật Quy hoạch, việc xây dựng Quy hoạch tỉnh Hà Giang là để cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường.

(2) Sự tác động của bối cảnh quốc tế, trong nước và thực tiễn phát triển của tỉnh Hà Giang đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải xây dựng mới quy hoạch: Yêu cầu đặt ra từ cách mạng công nghiệp 4.0; Việt Nam tham gia vào một loạt FTA thế hệ mới, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Binh Dương (CPTPP)… là những yếu tố quan trọng thúc đẩy thương mại và đầu tư; Chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn (Mỹ – Trung Quốc – EU) sẽ có tác động lớn đến chính sách đầu tư, thương mại của các quốc gia, đặc biệt với Hà Giang là tỉnh có đường biên giới dài với 02 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc.

(3) Thực hiện Luật Quy hoạch và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05/02/2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhin đến năm 2050, được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở tiếp tục khai thác hiệu quả hơn nữa vị trí địa lý của Tỉnh trong tình hình mới và tích hợp các nội dung, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và các huyện, thành phố có tính tới yếu tố liên vùng và hội nhập kinh tế quốc tế.

Do vậy, việc nghiên cứu và lập Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết theo yêu cầu của hướng tiếp cận mới, có tầm nhìn dài hạn, nhằm phát huy hiệu quả các lợi thế của Tỉnh, làm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổ chức không gian lãnh thổ kinh tế – xã hội và xây dựng các kế hoạch phát triển 5 năm và hàng năm, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của cả nước, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội để xây dựng Hà Giang trở thành tỉnh khá trong khu vực.

UBND tỉnh Hà Giang đã giao cho Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh làm chủ đầu tư và ký hợp đồng tư vấn số 04/2020/HĐTV ngày 22/12/2020 với Liên danh tham gia tư vấn gồm: Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia (VIUP), Viện Quy hoạch và thiết kế Nông nghiệp, Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải, Trung tâm tư vấn Thông tin và Truyền thông, Viện nghiên cứu Chiến lược, chính sách công thương, Viện chiến lược phát triển, Viện Quy hoạch thủy lợi, Viện khoa học giáo dục Việt Nam, Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch và Trung tâm Karst và Di sản địa chất (VIGMR). Liên danh tư vấn với vai trò tham mưu, đưa ra tầm nhìn chiến lược giúp Hà Giang thực hiện Nhiệm vụ quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1177/QĐ-TTg ngày 04/8/2020.

Ảnh 1,2: Họp Liên danh các đơn vị tư vấn về việc kế hoạch triển khai hoạt động tư vấn lập Quy hoạch tỉnh Hà Giang tại VIUP ngày 12/01/2021

Theo như Hợp đồng đã ký, Trung tâm Karst và Di sản địa chất tham gia thực hiện các nội dung công việc trong Nhiêm vụ lập quy hoạch Hà Giang gồm: (1) Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên (Khoáng sản, Di sản địa chất,…); (2) Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra và (3) Xử lý, tích hợp báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và báo cáo quy hoạch tỉnh. Thời gian thực hiện 16 tháng từ tháng 1/2021 – 4/2020;

 

Ảnh 3: Họp Ban chỉ đạo lâp Quy hoạch tỉnh Hà Giang với Liên danh tư vấn do đ/c Nguyễn Văn Sơn, chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại trụ sở UBND tỉnh, ngày 14/01/2021

Trong thời gian từ ngày 18/01/2021 đến ngày 02/02/2021. Trung tâm Karst và Di sản Địa chất đã cùng với các đơn vị trong Liên Danh tư vấn triển khai thực hiện công tác thu thập tài liệu, dữ liệu phục vụ Nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh tại các sở, ban, ngành địa phương trên toàn tỉnh Hà Giang theo kế hoạch số 20/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh ngày 15 tháng 01 năm 2021. Công tác thu thập tài liệu nhận được sự phối hợp rất nhiệt tình của các sở, ban, ngành, địa phương và kết quả công tác thu thập tài liệu, dữ liệu đạt hiệu quả rất cao.

Hiện Trung tâm Karst và Di sản Địa chất đang cùng với các đơn vị trong Liên danh thực hiện việc phân tích đánh giá tài liệu để đề xuất Quan điểm và tầm nhìn lập quy hoạch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn 2050.

 

Ảnh 4, 5: Buổi làm việc giữa Liên danh tư vấn với các Sở, ban, ngành địa phương